Chính trị Thụy_Sĩ

Hiến pháp Liên bang được thông qua vào năm 1848 là căn cứ pháp lý của nhà nước liên bang hiện đại. Nó nằm trong số các hiến pháp lâu năm nhất của thế giới.[51] Một hiến pháp mới được phê chuẩn vào năm 1999, song không tiến hành các biến đổi đáng kể về cấu trúc liên bang. Nó phác thảo các quyền lợi cơ bản và chính trị của các cá nhân và tham gia của công dân vào công vụ, phân chia quyền lực giữa liên bang và các bang, và xác định thẩm quyền và quyền hạn của liên bang. Có ba cơ cấu quản lý chính tại cấp độ liên bang:[52] lưỡng viện quốc hội (lập pháp), Hội đồng Liên bang (hành pháp) và Tòa án Liên bang (tư pháp).

Cung điện Liên bang là trụ sở của Nghị viện Liên bang và Hội đồng Liên bang.

Nghị viện Thụy Sĩ gồm có hai viện: Hội đồng Các bang gồm có 46 đại biểu (mỗi bang hai đại biểu và mỗi bán bang có 1 đại biểu), họ được bầu theo hệ thống riêng do mỗi bang xác định, và Hội đồng Quốc gia gồm 200 thành viên được bầu theo một hệ thống đại diện tỷ lệ, tùy theo dân số của mỗi bang. Thành viên của hai viện phục vụ trong bốn năm và chỉ phục vụ bán thời gian (gọi là "Milizsystem" hay cơ quan tư pháp công dân).[53] Khi cả hai viện họp chung, họ được gọi là Nghị hội Liên bang. Thông qua trưng cầu dân ý, công dân có thể thách thức bất kỳ luật nào do nghị viện thông qua, và thông qua xướng nghị có thể đưa các sửa đổi vào hiến pháp liên bang, do đó biến Thụy Sĩ thành một nền dân chủ trực tiếp.[51]

Hội đồng Liên bang gồm có chính phủ liên bang, chỉ đạo chính quyền liên bang và đóng vai trò là cơ quan cao nhất của quốc gia. Đây là một cơ cấu hiệp nghị gồm bảy thành viên, được Nghị hội Liên bang bầu ra theo nhiệm kỳ ủy thác bốn năm, Nghị hội Liên bang cũng thực thi giám sát Hội đồng. Tổng thống Liên bang được Nghị hội Liên bang bầu ra từ bảy thành viên này, theo truyền thống chức vụ này được luân phiên và có nhiệm kỳ một năm; Tổng thống chủ trì chính phủ và đảm nhiệm các chức năng tượng trưng. Tuy nhiên, tổng thống là một người đứng đầu bình đẳng, không có thêm quyền lực, và duy trì là người đứng đầu một cơ quan trong chính quyền.

Chính phủ Thụy Sĩ là một liên minh của bốn chính đảng lớn kể từ năm 1959, mỗi đảng có một số lượng ghế trong nghị viện, chúng phản ánh đại thể tỷ lệ cử tri và đại diện của họ trong nghị viện liên bang. Phân bổ kiểu cũ là 2 thành viên CVP/PDC, 2 thành viên SPS/PSS, 2 thành viên FDP/PRD và 1 thành viên SVP/UDC tồn tại từ năm 1959 đến năm 2003 và được gọi là "công thức ma thuật". Sau bầu cử Hội đồng Liên bang năm 2015, bảy ghế trong hội đồng được phân bổ như sau:

1 ghế của Đảng Nhân dân Dân chủ Cơ Đốc giáo (CVP/PDC),2 ghế của Đảng Dân chủ Tự do (FDP/PRD),2 ghế của Đảng Dân chủ Xã hội (SPS/PSS),2 ghế của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP/UDC).

Chức năng của Tòa án Tối cao Liên bang là phân xử kháng án phán quyết của các tòa án cấp bang và liên bang. Các thẩm phán được Nghị hội Liên bang bầu ra, có nhiệm kỳ sáu năm.[54]

Dân chủ trực tiếp

Landsgemeinde (bỏ phiếu công khai) là một hình thức cũ của dân chủ trực tiếp. Nó hiện vẫn được thực hiện tại hai bang.

Dân chủ trực tiếpchủ nghĩa liên bang là các điểm nổi bật của hệ thống chính trị Thụy Sĩ.[55] Công dân Thụy Sĩ là đối tượng của ba quyền lực tư pháp: tại cấp khu tự quản, bang và liên bang. Hiến pháp 1848/1999 xác định một hệ thống dân chủ trực tiếp (thỉnh thoảng gọi là bán trực tiếp hay dân chủ trực tiếp đại diện). Các công cụ của hệ thống này tại cấp độ liên bang, được gọi là quyền dân chúng (tiếng Đức: Volksrechte, tiếng Pháp: droits populaires, tiếng Ý: Diritti popolari),[56] bao gồm quyền đệ trình một "xướng nghị liên bang" và một "trưng cầu dân ý", cả hai đều có thể lật đổ các quyết định của nghị viện.[57]

Bằng cách yêu cầu một cuộc "trưng cầu dân ý" liên bang, một nhóm công dân có thể thách thức một luật do nghị viện thông qua nếu họ thu thập được 50.000 chữ ký chống lại luật trong vòng 100 ngày. Nếu vậy, một cuộc bỏ phiếu toàn quốc được lên kế hoạch để các cử tri quyết định theo thể thức đa số giản đơn về việc chấp thuận hay bác bỏ luật. Tập hợp gồm tám bang bất kỳ cũng có thể yêu cầu trưng cầu hiến pháp về một luật của liên bang.

Tương tự, "xướng nghị hiến pháp" liên bang cho phép công dân đưa một sửa đổi hiến pháp ra bỏ phiếu toàn dân, nếu như trong vòng 18 tháng có 100.000 cử tri ký tên vào sửa đổi được đề xuất.[note 7] Hội đồng Liên bang và Nghị hội Liên bang có thể bổ sung sửa đổi được đề xuất bằng một phản đề án, và sau đó cử tri cần phải cho biết họ ưu tiên gì hơn trong trường hợp hai đề xuất được chấp thuận. Do đó, các sửa đổi hiến pháp bất kể tiến hành dựa theo xướng nghị hoặc tại nghị viện, cần phải được chấp thuận bởi đa số kép theo phiếu phổ thông quốc gia và phiếu phổ thông cấp bang.[note 8][55]

Thủ đô

Luật Thụy Sĩ không định rõ một thủ đô chính thức, song nghị viện và chính phủ liên bang đặt tại Bern, trong khi các tòa án liên bang nằm tại các thành phố khác.[58]

Đơn vị hành chính

Bài chi tiết: Bang của Thụy Sĩ

Liên bang Thụy Sĩ gồm có 20 bang và 6 bán bang:[51][59]

BangThủ phủBangThủ phủ
AargauAarau*NidwaldenStans
*Appenzell AusserrhodenHerisau*ObwaldenSarnen
*Appenzell InnerrhodenAppenzellSchaffhausenSchaffhausen
*Basel-LandschaftLiestalSchwyzSchwyz
*Basel-StadtBaselSolothurnSolothurn
BernBernSt. GallenSt. Gallen
FribourgFribourgThurgauFrauenfeld
GenèveGenèveTicinoBellinzona
GlarusGlarusUriAltdorf
GraubündenChurValaisSion
JuraDelémontVaudLausanne
LuzernLuzernZugZug
NeuchâtelNeuchâtelZürichZürich

*Các bang được xem là bán bang và do đó chỉ có một ủy viên (thay vì hai) trong Hội đồng Các bang.

Các bang có một địa vị hiến pháp vĩnh viễn, và so với tình hình tại các quốc gia khác thì chúng có mức độ độc lập cao. Theo Hiến pháp Liên bang, toàn bộ 26 bang đều bình đẳng về địa vị. Mỗi bang có hiến pháp riêng, cùng nghị viện, chính phủ và tòa án riêng.[59] Tuy nhiên, có khác biệt đáng kể giữa các bang, quan trọng nhất là về dân số và diện tích. Dân số các bang dao động từ 15.000 (Appenzell Innerrhoden) đến 1.253.500 (Zürich), và diện tích dao động từ 37 km2 (14 sq mi) (Basel-Stadt) đến 7.105 km2 (2.743 sq mi) (Graubünden). Các bang gồm có tổng cộng 2.485 khu tự quản. Tại Thụy Sĩ có hai vùng đất lọt vào: Büsingen thuộc về Đức, Campione d'Italia thuộc về Ý.[60]

Phân chia hành chính Thụy Sĩ

Ngoại giao và tổ chức quốc tế

Thụy Sĩ có truyền thống tránh các liên minh có thể yêu cầu quân sự, chính trị và hành động kinh tế trực tiếp, và là nước trung lập kể từ khi kết thúc mở rộng vào năm 1515. Chính sách trung lập của họ được quốc tế công nhận trong Đại hội Wien năm 1815.[61][62] Phải đến năm 2002 Thụy Sĩ mới trở thành một thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc[61] và là quốc gia đầu tiên gia nhập tổ chức này theo trưng cầu dân ý. Thụy Sĩ duy trì quan hệ ngoại giao với hầu như toàn bộ các quốc gia và theo truyền thống đóng vai trò là một bên trung gian giữa các quốc gia khác.[61] Thụy Sĩ không phải là thành viên của Liên minh châu Âu; người Thụy Sĩ kiên trì bác bỏ tư cách thành viên của tổ chức này kể từ đầu thập niên 1990.[61] Tuy nhiên, Thụy Sĩ tham gia Khu vực Schengen.[63]

Đảo nghịch đơn sắc quốc kỳ Thụy Sĩ trở thành biểu trưng của Phong trào Chữ thập đỏ,[41] được Henri Dunant thành lập vào năm 1863.[64]

Một lượng lớn các tổ chức quốc tế đặt trụ sở của họ tại Thụy Sĩ, một phần là do chính sách trung lập của nước này. Genève là nơi khai sinh của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏCông ước Genève, và từ năm 2006 là nơi đặt trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Mặc dù Thụy Sĩ là một trong số các nước mới nhất gia nhập Liên Hiệp Quốc, song Cung các Quốc gia tại Genève là trung tâm lớn thứ nhì của Liên Hiệp Quốc sau trụ sở tại New York, và Thụy Sĩ là một thành viên sáng lập và là nơi đặt trụ sở của Hội Quốc Liên trước đây.

Ngoài trụ sở của Liên Hiệp Quốc, Thụy Sĩ còn là chủ nhà của nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và khoảng 200 tổ chức quốc tế khác, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).[61] Các hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos có sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị quốc tế nhằm thảo luận các vấn đề quan trọng của thế giới, trong đó có y tế và môi trường. Ngoài ra, trụ sở của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đặt tại Basel từ năm 1930.

Hơn nữa, nhiều liên đoàn và tổ chức thể thao đặt tại khắp Thụy Sĩ, như Liên đoàn bóng rổ quốc tế tại Genève, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tại Nyon, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn khúc côn cầu trên băng quốc tế đặt tại Zürich, Liên đoàn Xe đạp Quốc tế tại Aigle, và Ủy ban Olympic Quốc tế tại Lausanne.[65]

Quân sự

Một chiếc F/A-18 Hornet của Không quân Thụy Sĩ

Lực lượng vũ trang Thụy Sĩ gồm có Lục quân và Không quân, gồm chủ yếu là các binh sĩ nghĩa vụ từ các nam công dân tuổi từ 20 đến 34 (trong trường hợp đặc biệt lên đến 50). Do là một quốc gia nội lục, Thụy Sĩ không có hải quân song trên các hồ biên giới có sử dụng các tàu kiểm soát quân sự có vũ trang. Công dân Thụy Sĩ bị cấm phục vụ trong quân đội ngoại quốc, ngoại trừ Đội cận vệ Thụy Sĩ của Vatican, hoặc nếu họ có quốc tịch kép của một nước khác và cư trú tại đó.

Cấu trúc của hệ thống dân quân Thụy Sĩ quy định rằng các binh sĩ giữ thiết bị mà Quân đội phát cho tại nhà, bao gồm toàn bộ vũ khí cá nhân. Một số tổ chức và chính đảng tranh luận về thực tiễn này[66] Nghĩa vụ quân sự áp dụng cho toàn bộ nam công dân Thụy Sĩ; nữ giới có thể phục vụ tự nguyện. Nam giới thường nhận lệnh huấn luyện nghĩa vụ quân sự vào năm 18 tuổi.[67] Khoảng hai phần ba thanh niên Thụy Sĩ phù hợp để phục vụ; có một số hình thức phục vụ thay thế đối với những người được đánh giá là không phù hợp.[68] Mỗi năm có khoảng 20.000 người được huấn luyện tại các trung tâm tuyển quân trong khoảng thời gian từ 18 đến 21 tuần lễ. Cải cách "Lục quân XXI" được dân chúng thông qua vào năm 2003, thay thế mô hình "Lục quân 95" trước đó, giảm chiến binh từ 400.000 xuống khoảng 200.000. Trong đó, 120.000 người tại ngũ trong thời kỳ huấn luyện và 80.000 binh sĩ dự bị phi huấn luyện.[69]

Tổng thể, Thụy Sĩ từng ba lần tuyên bố tổng động viên nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và tính trung lập của Thụy Sĩ. Lần đầu tiên nhằm ứng phó với Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871. Lần thứ hai là nhằm ứng phó với bùng phát Chiến tranh thế giới thứ nhất vào tháng 8 năm 1914. Lần thứ ba diễn ra vào tháng 9 năm 1939 nhằm ứng phó trước việc Đức xâm lược Ba Lan; Henri Guisan được bầu làm tổng tư lệnh.

Do có chính sách trung lập, quân đội Thụy Sĩ hiện không tham gia các xung đột quân sự tại nước ngoài, song nằm trong một số sứ mệnh duy trì hòa bình khắp thế giới. Kể từ năm 2000 cơ quan lực lượng vũ trang cũng duy trì hệ thống thu thập tình báo Onyx nhằm theo dõi truyền thông vệ tinh.[70]

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có một số nỗ lực nhằm hạn chế hoạt động quân sự hoặc thậm chí là bãi bỏ lực lượng vũ trang. Một cuộc trưng cầu dân ý đáng chú ý về vấn đề này được một nhóm chống quân phiệt phát động, được tổ chức vào năm 1989. Kết quả là thất bại khi hai phần ba cử tri bác bỏ đề xuất.[71][72] Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự được tổ chức không lâu sau Sự kiện 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ có kết quả là 78% cử tri bác bỏ[73]

Thụy Sĩ có chính sách về súng độc nhất tại châu Âu do có tỷ lệ tương đối lớn (29%) công dân có vũ trang hợp pháp. Đa số lớn vũ khí được giữ tại nhà là loại được phát cho dân quân, song đạn dược không được phát.[74][75]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thụy_Sĩ http://www.anna.aero/european-airport-traffic-tren... http://www.winebiz.com.au/statistics/world.asp http://www.cp-pc.ca/english/switzerland/ http://www.about.ch/ http://www.are.admin.ch/dokumentation/00121/00224/... http://www.bag.admin.ch/themen/krankenversicherung... http://www.bar.admin.ch/archivgut/00591/00601/0060... http://www.bfe.admin.ch/forschungnetze/01223/index... http://www.pxweb.bfs.admin.ch/Dialog/varval.asp?ma... http://www.bfs.admin.ch/bfs/portal/de/index/news/0...